Bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức cơ quan nào cũng cần có nhân viên kế toán để thực hiện công việc quản lý sổ sách, thu – chi và nắm bắt tình hình tài chính. Thế nên, công việc kế toán thường được đánh giá cao và phải cực kỳ thận trọng.
Quy mô phát triển kinh tế của các doanh nghiệp ngày càng được mở rộng thì hoạt động chuyên môn tại các bộ phận cũng được nâng cao. Trong đó, bộ phận kế toán mà đặc biệt là vai trò của người kế toán trưởng không thể xem nhẹ. Bởi họ trực tiếp quản lý tài chính để báo cáo chính xác cho lãnh đạo cấp trên và dựa vào đó mà có những kế hoạch phát triển mới. Do vậy, nhiệm vụ của kế toán trưởng sẽ làm các công việc cụ thể như sau.
Điều kiện để trở thành kế toán trưởng
Kế toán trưởng là tên một chức danh nghề nghiệp làm việc tại các doanh nghiệp, đứng đầu bộ phận kế toán. Họ thực hiện các công việc tính toán và quản lý tài chính để báo cáo tình hình nhằm tham mưu cho các cấp quản lý trong chiến lược liên quan đến tài chính. Do vậy, công việc này đòi hỏi phải có chuyên môn cao và phẩm chất đạo đức tốt.
Một số điều kiện được bổ nhiệm vị trí kế toán trưởng tại các doanh nghiệp tư nhân như: Có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ kế toán từ trung cấp trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp (trung thực, liêm khiết và ý thức chấp hành pháp luật).
Bên cạnh đó, là yêu cầu về kinh nghiệm cụ thể: Người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên phải có ít nhất 2 năm làm việc thực tế. Đối với bằng trung cấp, cao đẳng về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc thực tế.
Nhiệm vụ của kế toán trưởng trong doanh nghiệp
Kế toán trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp gồm các công việc cụ thể như: Ghi chép, tính toán cẩn thận và chính xác đầy đủ tài sản của công ty để lập bảng báo cáo phân tích kết quả của hoạt động kinh doanh. Thực hiện thanh toán các khoản tiền vay, công nợ phải thu và trả, nộp thuế đầy đủ và đúng hạn. Kiểm kê tài sản định kỳ để có biện pháp xử lý nếu xảy ra các trường hợp thất thoát. Tổ chức bảo quản và lưu trữ, giữ bí mật tài liệu kế toán của công ty. Bên cạnh đó, thực hiện các kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ của nhân viên.
Quản lý và kỷ luật lao động, tính tiền lương, thưởng và các khoảng phụ cấp, chính sách và chế độ cho người lao động. Thực hiện các kế hoạch kinh doanh – tài chính, đầu tư, các chi phí trong kinh doanh, chi tiêu trong doanh nghiệp… kiểm tra và bảo vệ tài sản, tiền vốn của công ty. Phụ trách thanh toán tiền mặt cho các khoản vay tín dụng, các hợp đồng kinh tế và hợp đồng dịch vụ. Giải quyết các khoản thiếu hụt, khoảng nợ và các thiệt hại khác.
Đóng vai trò tham mưu cho ban lãnh đạo trong việc phân tích và đánh giá tình hình hoạt động kinh tế thường xuyên để xem xét hiệu quả kinh doanh. Từ đó phát hiện các lãng phí, việc làm không hiệu quả, chậm tiến độ dẫn đến những thiệt hại. Đề ra biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo cải thiện tình trạng hoạt động và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời, dựa vào báo cáo tài chính giúp doanh nghiệp khai thác các kế hoạch tiềm năng và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Các kỹ năng cần có của kế toán trưởng
Kế toán trưởng là vị trí công việc quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính doanh nghiệp nên họ phải là những người làm việc trung thực và trách nhiệm. Đặc biệt, thường xuyên đối mặt với các con số tính toán nên đòi hỏi phải cẩn thận để xử lý chính xác vì nếu sai sót sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng làm tổn hại đến lợi ích kinh doanh.
Để thực hiện tốt công tác kế toán, kế toán trưởng phải thành thạo vi tính văn phòng, đặc biệt là các phần mềm, công thức xử lý trong tính toán. Bên cạnh đó, tùy vào yêu cầu doanh nghiệp mà những người kế toán phải trang bị cho mình vốn tiếng Anh giao tiếp để giải quyết công việc và giao tiếp với đối tác. Và cần có khả năng chịu được áp lực công việc, giải quyết tốt các vấn đề.
Như vậy, ta thấy nhiệm vụ của kế toán trưởng không hề dễ dàng mà phải làm việc chuyên nghiệp thì mới mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Vì họ là người tính toán nguồn vốn và lợi nhuận thu được để các nhà lãnh đạo đánh giá chính xác tình hình hoạt động kinh tế.